TÂM ĐẠI BẤT THIỆN, PHONG THỦY VÔ ÍCH BẤT HIỆU CHA MẸ, THỜ THẦN VÔ ÍCH

 TÂM ĐẠI BẤT THIỆN, PHONG THỦY VÔ ÍCH

    Dẫu trên bề mặt làm việc tốt mà bản chất sự việc là xấu thì cũng vô ích. Ví như đem tiền tham ô làm công đức, xây chùa, đúc chuông, thì cũng chẳng có công đức gì, khi cái tâm bất thiện còn chưa thay đổi. Thế nên, trong Phật giáo có nói: "Sám hối diệt tội". Hối lỗi, quy chính cái tâm rồi, thì bố thí, làm việc thiện mới được coi là chân thiện, mới có công đức...

    Lâm Tắc Từ là một người từng được thừa hưởng nền tảng giáo dục rất tốt từ phía gia đình. Ngay từ nhỏ ông đã được cha mình dạy dỗ hết sức nghiêm cẩn.

    Sau khi trưởng thành, Lâm Tắc Từ cũng rất coi trọng giáo dục gia đình đối với con cái. Đến năm 50 tuổi, ông đã viết tác phẩm "10 điều vô ích" như một bản gia huấn để lại cho con cháu. (Có khá nhiều người nhầm "10 điều vô ích" này là của Khổng Tử, nên ở đây nhấn mạnh lần nữa, là của đại danh thần nhà Thanh Lâm Tắc Từ)

    Lâm Tắc Từ đem những thứ mà mọi người coi là có ích, phân tích và đưa ra ranh giới. Cũng có nghĩa là, nếu không đáp ứng được điều kiện nào đó thì một số sự tình vốn xem ra là có ích lại có thể trở thành vô ích.

"10 điều vô ích" này chính là tiêu chuẩn tu dưỡng của bản thân Lâm Tắc Từ, cũng là nguyên tắc giáo dục con cái của ông, đồng thời tác phẩm cũng lưu lại nhiều bài học giáo dục bổ ích cho hậu thế:

Nếu tâm địa không thiện lương, thế thì dẫu có coi trọng phong thủy đến mấy cũng không có tác dụng.

Nếu không hiếu thuận với cha mẹ, thì dẫu thờ phụng Thần linh như thế nào đi nữa cũng không có tác dụng.

Nếu quan hệ giữa anh em không tốt, thì kết giao với bạn bè bên ngoài dẫu nhiều thế nào đi nữa cũng vô dụng.

Lời nói, việc làm của một người mà không đoan chính thì dẫu đọc sách nhiều thế nào chăng nữa cũng không thay đổi được khí chất, cũng là vô dụng.

Nếu một người mà tâm thái cao ngạo, tự cao tự đại, không nghe lọt tai những ý kiến bất đồng, thế thì dẫu có học rộng như thế nào chăng nữa cũng là vô ích.

Nếu một người làm việc mà cứ khăng khăng cố chấp với ý kiến thiên lệch của mình, không coi trọng đạo lý, dẫu có thông minh thế nào đi nữa cũng vô ích mà thôi, người này sẽ rất khó hợp tác, càng không thể kết giao được với những người hữu duyên, người tốt.

Nếu thời cơ còn chưa đến, dẫu có cố sức mong cầu gắng gượng thế nào đi nữa cũng vô dụng. Do đó, vừa phải kiên trì sự việc của mình, vừa phải biết thuận theo tự nhiên, như vậy mới mong mọi việc êm ấm, tốt đẹp.

Nếu một người thông qua các phương thức không chính đáng để có được tiền tài, thế thì dẫu có đem số tiền đó đi làm những việc thiện cũng là vô ích.

Ví như đem tiền tham ô đi công đức, xây chùa, đúc chuông... thì cũng chẳng có công đức gì, khi cái tâm bất thiện còn chưa thay đổi. Thế nên, Phật gia có giảng: Sám hối diệt tội. Hối lỗi, quy chính cái tâm rồi, thì bố thí, làm việc thiện mới là chân thiện, mới có công đức.

Nếu một người không quý tiếc giữ gìn thân thể mình, thường thức đêm hoặc làm những việc không lợi cho sức khỏe, tổn thương nguyên khí, sau đó có thuốc thang tốt ra sao, nhiều thế nào đi nữa cũng không đổi lại được một cơ thể và tinh thần mạnh khỏe.

Nếu một người sống phóng túng xa xỉ, hoang dâm vô độ, thì dẫu làm rất nhiều việc thiện, tích nhiều âm đức cũng vô ích.

Ví như kiếm tiền bất chính từ tham nhũng, cho vay nặng lãi, bảo kê, đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn; hoặc vung tiền vào những món hàng hiệu, những chốn ăn chơi sa đọa, thì dẫu có dùng bao nhiêu tiền của để hành thiện tích âm đức cũng vô ích, vì đó chỉ là chiếc mặt nạ che đậy cái tâm xấu ác buông thả phóng túng mà thôi, về căn bản chưa khởi lên thiện niệm, chưa có thay đổi về bản chất.






Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn